Chia sẻ các bài thuốc chữa bệnh từ cây thiên môn
Thiên môn là vị thuốc trong đông y có tính lạnh, vị ngọt, hơi đắng. Cây thường được sử dụng để chữa ho, viêm hầu họng, sưng đau, đại tiện táo bón… Cây thiên môn còn mọc rất nhiều ở nước ta nên người bệnh có thể tự hái và chế biến thành các bài thuốc chữa bệnh được.
Cây thuốc thiên môn là gì?
- Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.; Asparagus lucidus Lindl.
- Họ: Thiên môn – Asparagaceae
Tìm hiểu về cây thiên môn
Đây là cây bụi leo, sống lâu năm, có chiều dài từ 1-1,5m. Rễ chùm, cuống dài. Cành tỏa ra rất nhiều, hình trụ, xoắn vào nhau thành bụi dày, nhẵn và có gai cong. Lá cây tiêu giảm thành vảy nhỏ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-2 hoa nhỏ màu trắng. Quả mong, có hạt màu đen. Cây ra hoa vào tháng 3-5 và kết trái vào tháng 6-9.
Cây thuốc thiên môn mọc ở đâu?
Ở Việt Nam, cây mọc hoang rất nhiều ở ven các biển miền trung, ở các đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo. Hiện nay người ra cũng trồng rất nhiều để làm thuốc, làm cảnh và hàng rào.
Bộ phận dùng làm thuốc
Rễ củ của cây thiên môn được sử dụng để làm thuốc. Rễ được thu hái vào mùa thu ở những cây trên 2 năm tuổi. Sau khi thu hoạch, người ta loại bỏ rễ con, tẩm nước cho mềm rồi sau đó đồ cho chín. Trong lúc rễ còn nóng, người ta sẽ bóc lấy vỏ và rút bỏ lõi, thái mỏng và mang đi sấy khô.
Thành phần hóa học
Trong thiên môn có chứa chất asparagin là một axit amin có tinh thể hình trụ. Ngoài ra, rễ củ còn chứa phytosterol. Thân và lá có chứa flavonoid.
Cây thiên môn có tác dụng gì?
- Chất asparagin trong cây có tác dụng lợi tiểu tiện.
- Chiết xuất giàu saponin có tác dụng làm giảm ho, hen suyễn thông qua cơ chế ức chế sản xuất IgE đặc hiệu trong mô hình hen suyễn do ovalbumin, sau đó phục hồi cấu trúc mô bệnh học, ức chế các chất trung gian gây viêm.
- Vitamin C có trong rễ cây giúp ngăn ngừa lão hóa bằng cách giảm các gốc tự do.
- Chiết xuất giàu saponin giúp kích thích các phản ứng chống viêm và điều hòa cholinergic muscarinic từ đó giúp nhuận tràng, giảm táo bón.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây thiên môn đông
- Chữa ho gà:
12g Thiên môn, 12g mạch môn; qua lâu nhân 5g; quất hồng 5g, Bách bộ 10g. Tất cả đem sắc lấy nước uống, uống 2 lần/ngày.
- Chữa ho có đờm, thổ huyết:
Các vị thuốc có liều lượng bằng nhau: Thiên môn, ngũ vị tử, mạch môn, đem nấu thành cao, sau đó vo viên uống. Ngày dùng 4–5g.
- Chữa phế hư, ho, sốt nhẹ, mệt mỏi:
Sử dụng 4,5g mỗi vị: Thiên môn, mạch môn; ngũ vị tử 1,5g; nhân sâm 3g; sa sâm 12g; ngọc trúc, 9g hạnh nhân, 9g sơn dược; 6g mỗi vị: phục linh, nữ trinh tử, bối mẫu, thiên thảo căn. Tất cả nghiền thành bột, uống với nước sắc ngó sen.
- Cao tam tài: thuốc bổ toàn thân, bổ tinh khí:
Thiên môn 10g; nhân sâm 4g; thục địa 10g. Sau đó thêm 600ml nước sắc cho tới khi còn 200ml, uống 3 lần/ngày.
- Bài thuốc cây thiên môn chữa táo bón sau khi bị nhiệt bệnh:
Thiên môn 10g; sinh địa 12g; 10g mỗi vị: huyền sâm, đương quy, hạt gai đay. Sắc lấy nước uống.
- Chữa lở miệng lâu ngày:
Thiên môn, huyền sâm, mạch môn đều bỏ lõi. Lấy cả 3 vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, luyện với mật, vo viên bằng hạt táo. Mỗi lần sẽ ngậm 1 viên.
- Trị da mặt nám đen:
Thiên môn phơi khô, sau đó tán nhuyễn thành bột rồi trộn với mật ong, vo thành viên nhỏ đem pha với nước để rửa mặt. Dùng lâu dài sẽ giúp da mặt láng mịn.
- Trị suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh nhiễm, sốt lâu ngày
Dùng thiên môn 10 – 20g , nhân sâm 4 – 8g, thục địa 10 – 20g, đem đi sắc nước để uống.
- Bài thuốc trị tim loạn nhịp
12g mỗi vị: Bá tử nhân, liên nhục và thảo quyết minh, 8g mỗi vị: đăng tâm thảo và liên tâm, thiên môn đông 16. Dùng các vị sắc uống, dùng sau khi ăn 1 giờ đồng hồ.
Những lưu ý trong quá trình sử dụng
Không dùng cho người có đàm ẩm nhưng không có hư hỏa. Cần hạn chế ăn cá chép, cá chầy và cá trắm khi sử dụng thuốc thiên môn và không sử dược dược liệu cho người có tỳ vị hư hàn.
Thiên môn có tác dụng bồi bổ sức khỏe và điều trị nhiều chứng bệnh nhưng dược liệu này lại có tính hàn nên tuyệt đối cần cẩn trọng trong quá trình sử dụng. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng.
Được đóng lại.