Hoàng kỳ và những bí mật về vị thuốc quý này có thể bạn chưa biết
Trong dân gian người ta thường gọi cây Hoàng kỳ là người anh em “song sinh” của Nhân sâm bởi đây là vị thuốc cực kỳ quý mà ai cũng nên uống hàng ngày để bồi bổ sức khỏe.
Hoàng kỳ là cây gì?
- Tên gọi: Miên hoàng kỳ, Đái thâm, Kỵ thảo, Đố phụ, Đái thảm, Sinh hoàng kỳ,…
- Tên tiếng Anh: Mongolian milkvetch
- Tên khoa học: Astragalus propinquus Schischkin.
- Họ: Đậu – Leguminosae
Mô tả
Đây là cây thân thảo, sống lâu năm có chiều cao khoảng 50-80cm. Thân cây thẳng đứng, chia thành nhiều cành. Rễ có hình trụ, bám sâu vào lòng đất. Vỏ ngoài màu nâu vàng hoặc nâu đỏ. Lá dạng lá kép lông chim sẻ, các lá mọc so le, dài từ 6-22mm, rộng 3-8mm.
Hoa mọc thành chùm ở trên các kẽ lá, dài hơn lá. Hoa có màu vàng nhạt, đài có hình chuông, có răng cưa nhưng không đều. Quả có hình dạng quả đậu, có dạng bán nguyệt, dẹt. Hoa của cây thường nở vào tháng 6-7 và mùa quả là vào tháng 8-9.
Hình ảnh cây hoàng kỳ
Phân bố:
Mọc ở Trung Quốc là phổ biến nhất, nhất là các tỉnh như Du Lâm, Hoa Bắc, Tứ Xuyên, Bửu Kê, Tây Bắc, Đông Bắc, Hắc Long Giang…
Ở Việt Nam, Hoàng kỳ đã được trồng ở một số vùng như Đà Lạt và Sa Pa nhưng vẫn còn hạn chế.
Bào chế:
Cách 1: Ủ cho mềm rồi thái lát mỏng từ 1-2mm, mang đi sấy nhẹ hoặc phơi khô gọi là hoàng kỳ sống.
Cách 2: Hoàng kỳ thái thành những miếng mỏng, pha cùng mật ong với nước rồi cho vào trộn đều. Ủ cho thấm mật ong sau đó đem sao vàng. Tỉ lệ trộn tốt nhất: 100kg hoàng kỳ tương ứng với 25-30kg mật ong.
Bộ phận dùng làm thuốc:
Rễ cây thường được sử dụng để làm thuốc, được thu hoạch vào 2 mùa xuân và thu (đối với cây dưới 3 năm tuổi), còn cây tốt nhất là từ 6-7 năm tuổi. Rễ thường to mập, nhiều thịt, ruột vàng. Rễ được đào về, rửa sạch đất, cắt bỏ đầu và được phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học
Cây dược liệu này chứa nhiều hoạt chất tốt như: choline, saccarosa, acid amin, betain, gluocosa, tinh bọt, gôm, chất nhầy, acid forlic, protid (6.16% – 9,9%), vitamin P….
Tác dụng của hoàng kỳ là gì?
Trong đông y, cây thuốc này có vị ngọt, tính ôn, có công dụng giúp lợi tiểu, giải độc, bổ thận, bổ khí huyết, chữa ung nhọt, tỳ vị.
Trong y học Trung Quốc từ rất lâu đời đã sử dụng vị thuốc này để chữa các bệnh suy giảm hệ miễn dịch, tăng cường ham muốn tình dục và tăng chất lượng tinh trùng.
Vị thuốc này còn chữa các bệnh về cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng, thiếu máu, bệnh thận, đái tháo đường và huyết áp cao. Phòng ngừa bệnh ung thư bởi chứa chất chốn oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương.
Tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể:
Với khả năng tăng chức năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, khi người ốm yếu, mệt mỏi uống nước sắc hoàng kỳ sẽ thấy lượng IgM, IgE và cAMP trong máu tăng lên rõ. Từ đó thúc đẩy sự hình thành của kháng thể và nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. (theo Trung Dược Học).
Thúc đẩy quá trình chuyển hóa trong cơ thể:
Giúp nuôi dưỡng tế bào, giúp tế bào hoạt động tăng lên gấp nhiều lần và kéo dài được tuổi thọ (nghiên cứu trên chuột cho thấy sau 3 tuần chuột khỏe mạnh lên) – theo Trung Dược Học.
Tác dụng lợi tiểu:
Động vật thử nghiệm sau khi uống nước sắc hoàng kỳ cho thấy lượng nước tiểu tăng 64%. Tuy nhiên nếu uống liều thấp, hiệu quả kém còn uống liều cao lại gây nước tiểu giảm (theo Trung Hoa Y Học Tạp Chí,47 (1): 7-11, 1961).
Đối với Thận và niệu đạo:
+Trên lâm sàng cho thấy Hoàng kỳ cùng dùng với Đảng sâm trị đạm niệu do Thận hư. Nếu dùng liều cao thuốc có tác dụng làm giảm đạm niệu. Báo cáo cho rằng, bột Hoàng kỳ tốt hơn (Trích Luận Văn Hội Nghị Khoa Học Sinh Lý Trung Quốc, trang 135,1964).
+ Dùng lượng lớn Hoàng kỳ có thể giảm phù và cải thiện trạng thái dinh dưỡng của cơ thể (Trích Luận Văn Báo CáoTại Hội Nghị Khoa Học Sinh Lý Toàn Quốc Trung Quốc Lần Thứ 2, trang 13,1963).
Kháng Khuẩn:
Trong ống nghiệm thuốc có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn lỵ Shigella, liên cầu, phế cầu, tụ cầu vàng (Trung Quốc Tạp Chí 1947, 67: 648-656,).
Đối với gan:
Hoàng kỳ có tác dụng bảo vệ tế bào gan (Trích Luận Văn Báo Cáo Tại Hội Nghị Học Thuật Của Hội Dược Học Trung Quốc 1963, trang 332-333).
Bài thuốc chữa bệnh từ rễ Hoàng Kỳ
Chữa ung nhọt, lở loét:
16g hoàng kỳ, 12g đương quy, 6g xuyên khung,12g bạch truật, 16g kim ngân hoa, 12g tạo giác thích, 12g thiên hoa phấn, 12g trạch tả, 4g cam thảo, sắc lấy nước uống trong ngày.
Chữa Lupus ban đỏ:
30-90g hoàng kỳ, sắc uống ngày 1 thang. Liệu trình 1-2 tháng.
Trị đau nhức xương khớp:
Sắc lấy nước uống từ 16g hoàng kỳ, 12g bạch truật, 6g quế chi, 12g sinh khương, 3 quả đại táo.
Chữa ho, viêm phế quản:
24g hoàng kỳ, 10g tuyên phục hoa, 10g bách bộ, 6g địa long, chế thành viên uống trong 3 ngày. Liệu trình 10 ngày, liên tục 3 – 4 đợt.
Chữa viêm thận:
12g hoàng kỳ, 12g phòng kỷ, 4g cam thảo, 8g bạch truật, 12g gừng tươi, 3 quả đại táo, sắc lấy nước uống.
Bổ khí huyết do bị hư, sốt hoặc sau khi mất nhiều máu:
Sắc lấy nước gồm 40g hoàng kỳ và 8g đương quy.
Suy nhược cơ thể, kém ăn, tim đập nhanh, hay ra mồ hôi:
6 phần hoàng kỳ sao mật, nưa phần cam thảo sống, nửa phần cam thảo sao vàng, tất cả tán nhỏ, sắc lấy nước uống dần. Mỗi lần sắc 4-8g uống 3 lần trong ngày.
Chữa sa trực tràng:
30-50g hoàng kỳ sống, 15g đơn sâm, 10g sơn tra nhục, 3g phòng phong, 3g thăng ma, sắc lấy nước uống trong ngày.
Làm thuốc phòng cảm mạo, viêm mũi dị ứng:
15 hoàng kỳ, 10g đại táo tán bột thành 2 phần. Mỗi ngày 1 phần, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt:
100g hoàng kỳ sống, 30g hoạt thạch, sắc 2 lần (1 lần sắc nhanh và 1 lần sắc chậm), sau đó trộn đều và thêm 3g hổ phách tán bột, chai ra uống trong ngày lúc đói.
Nôn ra máu không dứt:
10g hoàng kỳ, 20g tử bối phù bình, tán bột, mỗi lần uống 4g với nước gừng và mật ong.
Trị vàng da do nghiện rượu, tiểu vàng:
80g hoàng kỳ, 40g mộc lan, tán bột, mỗi lần uống 8g với rượu, chia 3 lần trong ngày.
Viêm loét dạ dày, hành tá tràng:
Lấy 12g hoàng kỳ, 12g bạch thược, 10g quế chi, 12g cam thảo, 3g sinh khương, 5 quả đại táo, 30g đường phèn, sắc nước uống 2 lần trong ngày.
Điều trị bệnh tim mạch:
Cho 30g hoàng kỳ, 15g xích thược, 15g đơn sâm, 12g đương quy, 10g xuyên khung, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Liệu trình 4-6 tuần.
Chữa chứng bạch cầu giảm:
Sắc lấy nước uống gồm 30g hoàng kỳ sống, 15g điều sâm, 20 quả tiểu hồng táo.
Một số lưu ý khi sử dụng
Có thể làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc cyclosporine và các loại thuốc chứa cortisone bởi hoàng kỳ có khả năng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Do vậy nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.